Dạo chơi khu vườn thông tin bằng… ngón tay

TT – Bốn chàng kỹ sư công nghệ thông tin tương lai đã nghĩ ra cách mở cửa kiến thức chỉ bằng… ngón tay. Giải pháp thiết kế này vừa giành giải đặc biệt hội thi Tin học trẻ TP.HCM 2014.

Học cùng lớp, chơi chung nhóm và cùng gặp nhau ở chung một ý tưởng. Bốn chàng trai ấy chính là Lê Yên Thanh, Nguyễn Hải Đăng, Phạm Việt Khôi và Tô Hữu Quân, sinh viên năm 2 chương trình tiên tiến (hợp tác với ĐH tại Mỹ) của khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

4dIx01uK

1. Màn hình cảm ứng đã phổ biến lắm rồi, nhưng còn những màn hình bình thường khác liệu có thể cảm ứng được không? Câu hỏi bất chợt khiến nhóm bốn chàng trai thích khám phá thế giới công nghệ thông tin và “một ngày sống không thể thiếu máy tính” ấy lóe lên hướng nghiên cứu mới.

Ở lớp đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin chương trình tiên tiến, tất cả các môn học đều bằng tiếng Anh. Thay vì bốn năm đại học với tám học kỳ như những sinh viên khác, các kỹ sư tương lai của lớp học này phải hoàn thành 12 học kỳ (ba học kỳ/năm) cũng với ngần ấy thời gian. Không có nhiều thì giờ mày mò vì cả tuần đều dành cho việc học, nên hai ngày cuối tuần là thời điểm vàng dành cho ý tưởng sáng tạo.

Nhà Nguyễn Hải Đăng trở thành tổng hành dinh của nhóm những ngày cuối tuần trong suốt hai tháng. Và “Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh” đã ra đời. Màn hình sẽ là tấm kính có lót giấy trắng để có thể hiển thị hình ảnh. Các hình ảnh lưu trữ trong máy tính được chiếu lên từ phía sau màn hình bằng máy chiếu. Chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào mỗi hình ảnh đang di chuyển trên màn hình, tất cả các thông tin đi kèm sẽ hiện ra. “Tác giả” giúp cho quá trình tương tác ấy chính là một “con mắt hồng ngoại” (camera hồng ngoại) nhận diện được sự di chuyển của ngón tay gắn phía trước màn hình với một khoảng cách tương ứng được tính toán bằng các thuật toán trong công nghệ thông tin.

2. Nếu biết về con đường vào đại học của bốn chàng trai ấy, hẳn người ta sẽ không còn quá ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này. Lê Yên Thanh xuất thân từ trường chuyên của tỉnh An Giang, Tô Hữu Quân đến từ Trường chuyên Quốc học Huế, còn hai chàng trai Nguyễn Hải Đăng, Phạm Việt Khôi vốn là bạn chung lớp chuyên tin của Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

Ngay từ lớp 11, người “tệ nhất” như Tô Hữu Quân cũng đoạt giải ba, người ổn hơn như Lê Yên Thanh thì sở hữu giải nhất học sinh giỏi quốc gia tin học. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người đều đã nắm chắc một suất tuyển thẳng vào đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT. Gặp rồi chơi thân với nhau, nhưng công trình này mới là sản phẩm chung của cả nhóm dù trước đó mỗi bạn đều từng viết những phần mềm ứng dụng, game cho điện thoại di động riêng và cũng kiếm được kha khá tiền cho việc học từ những sản phẩm này. Riêng Lê Yên Thanh và Tô Hữu Quân từng viết chung ứng dụng “Busmap – xe buýt TP” giúp mọi người dễ dàng tra cứu thông tin về các tuyến xe buýt tại TP.HCM. Ứng dụng này được hai bạn tặng miễn phí cho những người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.

3. “Thật ra nhóm muốn giới thiệu với mọi người một giải pháp mới chứ không phải là một công trình hoàn chỉnh khi đưa ra kết quả nghiên cứu này” – Yên Thanh chia sẻ. Theo lý giải của các bạn, ngoài tấm kính, nhiều chất liệu khác như mặt nước, bức tường… đều có thể trở thành màn hình khi ứng dụng kết quả nghiên cứu này, miễn là có thể nhận diện được hình ảnh từ máy chiếu.

“Việc nhận diện ngón tay di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào “con mắt hồng ngoại” nên tùy kích thước màn hình lớn nhỏ, vị trí, việc lắp đặt camera hồng ngoại cũng sẽ có khoảng cách tương ứng để áp dụng các thuật toán tương ứng, mà điều này thì hoàn toàn có thể” – Hải Đăng tự tin nói về công trình của nhóm. Hiện nhóm mới tập hợp được dữ liệu về các loài cá, thế giới khủng long, bảo tàng Phật giáo và một vài lĩnh vực khác khi hoàn thành bản dự thi hội thi này.

Người dùng thật sự thấy thích khi chạm ngón tay vào một chú cá đang bơi lội tung tăng trên màn hình để đọc những thông tin cơ bản về loài cá ấy. Nhưng ứng dụng này còn giúp tương tác nhiều cách khác, chẳng hạn người dùng có thể mở từ trang thông tin này qua trang thông tin khác như đang lật từng trang trong một cuốn sách. “Chắc chắn tụi mình sẽ còn phải cải tiến nhiều cho giải pháp này nếu có đơn đặt hàng hay được ứng dụng vào một lĩnh vực nào đó. Bởi đây chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu mà cả nhóm muốn cho nhiều người thấy, hoàn toàn có thể tìm ra những giải pháp hữu hiệu mà không quá khó khi ứng dụng công nghệ thông tin” – Việt Khôi nói.

Giải đặc biệt hiếm hoi

Khá lâu rồi hội thi Tin học trẻ TP.HCM mới có một giải đặc biệt như thế. Kết quả nghiên cứu của nhóm được nhiều giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng và đồng thuận để trao giải đặc biệt duy nhất của hội thi năm nay. Theo nhóm, kết quả nghiên cứu này đặc biệt phù hợp để giới thiệu, chia sẻ thông tin về hình ảnh, kỷ vật trong các bảo tàng.

Ngoài ra cũng có thể dùng giải pháp này để giới thiệu thông tin về mẫu mã, giá cả tại một cửa hàng thời trang, hay thực đơn của một tiệm ăn, nhà hàng nào đó bằng cách tương tác thông minh chứ không phải là cuốn thực đơn bằng giấy để trước cửa như chúng ta vẫn thấy. “Nếu được áp dụng để tăng tính tương tác trong giờ học giữa học sinh với thầy cô giáo, các hình ảnh, đoạn phim của các môn học tôi tin là sẽ tạo sự hứng thú cho học sinh và tạo ra những giờ học sinh động” – Yên Thanh nói.

QUỐC LINH (TTO)

Leave a Reply