Nguyễn Hải Khánh (22 tuổi), sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa được Google tuyển dụng ở vị trí nhân viên toàn thời gian từ năm 2017. Em cũng chuẩn bị sang Anh làm thực tập sinh của Facebook.
Google và Facebook là hai cái tên nằm trong giấc mơ của rất nhiều sinh viên công nghệ. Song con đường đến với những “gã khổng lồ” này chông gai khiến nhiều người phải tìm cánh cửa khác để thực hiện mơ ước. Nguyễn Hải Khánh (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì đặt cho mình một chuyến bay thẳng đến địa hạt của Facebook, Google.
Đam mê công nghệ và yêu thích tìm tòi, cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM từng đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia Tin học năm lớp 11, giải Khuyến khích năm lớp 12, thường xuyên tham gia các cuộc thi lập trình. Vào năm ba đại học, em đạt số điểm khá cao tại cuộc thi trên mạng do Google tổ chức và nhận được email mời gửi hồ sơ cho công ty này. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, chàng sinh viên không thấy phản hồi nào từ nhà tuyển dụng. Em nghĩ mình đã hết cơ hội nhưng chẳng buồn mấy, bởi Google quá xa xôi.
Bẵng đi gần một năm, vào tháng 8/2015 khi Khánh đang nghĩ tới những bước tiếp theo cho tương lai, một email từ Google được gửi tới. “Họ cho biết đang cần tuyển vị trí kỹ sư mới tốt nghiệp làm việc toàn thời gian. Em có thể chọn làm ở bất cứ trụ sở nào và được quyền tự chọn thời gian phỏng vấn chính thức”, nam sinh kể và cho biết đã quá bất ngờ.
Không bỏ lỡ cơ hội, Khánh lao vào nghiên cứu mọi thứ từ kiến thức chuyên môn đến cách thức giao tiếp. Thành công ở 2 vòng phỏng vấn online, em được sang Australia để tiếp tục 5 vòng phỏng vấn trực tiếp khác. Chàng sinh viên cho biết, trước ngày lên đường đã rất lo lắng, thậm chí cho rằng mình tệ trong khả năng giao tiếp. Tuy vậy, giấc mơ và khát vọng tuổi trẻ, nền tảng kiến thức vững chắc cũng như sự thân thiện của các nhân viên ở trụ sở Google Australia khi dẫn em đi tham quan văn phòng, mời ăn trưa… khiến em phần nào vơi đi nỗi sợ vô hình.
Các cuộc phỏng vấn sau đó, nam sinh người Việt phải làm việc với 1-2 chuyên gia. Khi họ đặt câu hỏi, em phải trình bày ý tưởng lên chiếc bảng trắng rồi lập trình trên máy tính với trình soạn thảo chữ (editor) đơn giản. “Mọi việc diễn ra khá ổn cho đến vòng 4 khi em đang vẽ lung tung trên bảng vì bận nghĩ câu trả lời. Người phỏng vấn đã hỏi cậu đang làm cái quái gì vậy, khiến em sững người, bối rối nhưng may vẫn kịp nói: Tôi tìm một hướng đi”, Khánh kể. Em chia sẻ thêm, các nhà tuyển dụng Google không khó như mọi người vẫn nghĩ. Họ có thể cho gợi ý khi bạn bị bí câu trả lời và chú trọng đánh giá cách bạn giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần dựa trên kết quả.
Trở về Việt Nam sau trải nghiệm 5 ngày ở Australia, Khánh mang theo nhiều cảm xúc buồn, lo lẫn lộn. Cái gật đầu lần lượt từ Google Australia và trụ sở chính ở thung lũng Silicon (Mỹ) khiến chàng trai vỡ oà sung sướng. Cậu đã ký bản hợp đồng trở thành người của Google từ đầu năm 2017 sau khi tốt nghiệp và sẽ làm việc tại xứ sở Kangaroo.
Đây không chỉ là cơ hội trong mơ duy nhất của em. Trước thời gian phỏng vấn trực tiếp của Goolge, Khánh đã được Facebook nhận vào vị trí thực tập sinh sau 2 vòng phỏng vấn online. Chia sẻ bí kíp phỏng vấn, nhà lập trình tương lai cho biết “không nên im lặng” bởi kỹ sư công nghệ phải làm theo nhóm, khi bạn không nói ra suy nghĩ của mình thì người khác không hiểu và thực hiện cùng nhau. Việc có nền tảng kiến thức vững chắc, sự chăm chỉ nghiên cứu tìm tòi và khả năng giao tiếp, theo em đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy bản thân.
Hiện nam sinh viên Trường ĐH KHTN (ĐHQG-HCM) gấp rút hoàn thành chương trình năm cuối ở trường và chuẩn bị cho chuyến thực tập bốn tháng ở trụ sở Facebook tại Anh bắt đầu từ tháng 5 tới.
Theo VnExpress