Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ 22/5 đến 25/5/2016, chiều ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có buổi tham quan khu văn phòng phức hợp Dreamplex, nơi trưng bày các sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, tại tầng 10 khu Dreamplex, Tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1, TP.HCM.
Một trong những sản phẩm được vinh dự trưng bày và giới thiệu đến Tổng thống Mỹ Barack Obama lần này có sản phẩm kLlaserCutter – Máy cắt laser nghệ thuật của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, sinh viên năm 2 Khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. KLaserCutter là loại máy cắt laser có thể cắt các hình ảnh trên gỗ hoặc các loại vật liệu khác; sản phẩm đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Intel Galileo năm 2015.
Sản phẩm hoa sen đầy ý nghĩa mà Ngô Huỳnh Ngọc Khánh gửi tặng Tổng thống Barack Obama
Tại cuộc gặp gỡ, giới thiệu về sản phẩm kLlaserCutter, Khánh đã cho máy cắt chi tiết 3d của hoa sen đặt vào bàn tay để gửi tặng đến Tổng tống Barack Obama. Theo Ngọc Khánh, hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, nó thể hiện sự tao nhã, trong sáng và thông minh của người Việt Nam. Bàn tay thể hiện tinh thần chia sẻ, khoan dung của người Việt. Với món quà này, bạn mong muốn gửi gắm tình cảm của người Việt Nam đến Ngài Tổng thống để Ngài luôn nhớ về một Việt Nam tươi đẹp, mến khách.
Được biết, mục đích ban đầu của Khánh khi nghiên cứu và chế tạo kLaserCutter chỉ là để thỏa niềm đam mê – cắt những tác phẩm kirigami nghệ thuật. Tuy nhiên sau đó, Khánh bắt đầu nhận thấy sản phẩm của mình có nhiều ứng dụng to lớn khác như khắc gỗ, cắt mica, cắt gỗ… Với tinh thần chia sẻ và quan tâm, Khánh đã chia sẻ dự án của mình đến các bạn trẻ khác qua Cộng đồng Arduino Việt Nam.
“Một bật mí nhỏ với mọi người là Khánh đã có những dự án khác như máy in 3d, điều khiển thiết bị bằng giọng nói, điều khiển IOT,…” – Khánh cho biết thêm về dự án nghiên cứu sắp tới.
Khi được hỏi cảm xúc về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh chia sẻ: “Em thực sự rất tự hào và hạnh phúc khi được chọn để thuyết trình trong một sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc tế như thế này. Khi em bắt đầu làm máy cắt laser cách đây 9 tháng trước, em không nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội được trình bày sản phẩm này trước Ngài Tổng thống Mỹ như vậy. Đó là một điều vinh dự cho em… Để có được thành tựu ngày hôm nay, phải kể đến sự quan tâm từ trường cấp 3 của em, Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Phú Yên và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để em có thể vừa học tập và sáng tạo; đó là những nơi lý tưởng để đầu tư cho các nhà khoa học tương lai”
Qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Khánh cũng mong rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thêm nhiều chương trình giao lưu học thuật và văn hóa để các bạn sinh viên hai nước có thể học tập, trao đổi và chia sẻ kiến thức, văn hóa hai bên.
Tin KHTN
Vào mùa hè năm ngoái, trong lúc tìm hiểu về Kirigami – môn nghệ thuật cắt giấy của Nhật Bản, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh đã phải dừng bước vì đôi tay bạn không được khéo léo lắm. Không nản lòng, Khánh quyết làm ra một cái máy giúp mình cắt Kirigami theo phong cách Việt Nam, và từ đó kLaserCutter manh nha được hình thành. Sau 4 tháng nghiên cứu và chế tạo, Khánh đã hoàn thiện dự án của mình. Nó là một cổ máy nguồn mở và một hệ thống phần mềm điều khiển nguồn mở do chính Khánh tự thiết kế và hoàn thiện. Và đây là những thành quả của máy cắt cùng với việc lắp ráp của chính bạn. Ban đầu, Khánh chỉ làm theo sở thích. Tuy nhiên, khi hiểu được các bạn khác cũng muốn làm nó nhưng không biết cách làm, Khánh đã tiến hành đăng bài hướng dẫn mọi người làm lại chiếc máy cắt này trên Cộng đồng Arduino Việt Nam – Arduino.vn. Sau đó, khi các bạn làm máy gặp phải khó khăn, Khánh còn giúp đỡ các bạn ý giải quyết và quan tâm đến những vấn đề này. Qua đó, khích lệ tinh thần các bạn trẻ để các bạn dám thực hiện những ý tưởng trong suy nghĩ của mình. Khánh cho biết: “Để làm chiếc máy này, chúng ta chỉ cần khoảng 5tr VND, rẻ hơn 15 lần so với máy công nghiệp lần. Với giá thành đó cùng với hướng dẫn chi tiết, hiện đã có 8 bạn đã làm thành công máy cắt laser và thông báo trên cộng đồng”. Được biết, ở Việt Nam, việc phát triển một dự án phần cứng-phần mềm nguồn mở hiện vẫn còn rất ít. |
Nguồn: KHTN