Ngày 14-3, cùng với công bố quy chế tuyển sinh ĐH; tuyển sinh CĐ và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT đã công bố hướng dẫn cụ thể về công tác tuyển sinh 2018.
Theo đó, điểm cần đặc biệt lưu ý là thí sinh vẫn có quyền được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển.
1. Đăng ký xét tuyển: Từ ngày 1-4 đến 20-4
Từ ngày 1-4, các sở GD-ĐT và điểm thu nhận hồ sơ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Việc tiếp nhận hồ sơ đến ngày 20-4. Từ ngày 10-5 đến 31-5, các trường ĐH, CĐSP, TCSP tải dữ liệu thí sinh ĐKXT từ cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để tham khảo.
2. “Chốt” mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển: trước ngày 19-7
Trước ngày 19-7, các trường ĐH, CĐSP, TCSP điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Ngày 18-7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên.
3. Được điều chỉnh ĐKXT một lần
Năm 2018, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu ĐKXT. Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT theo phương thức trực tuyến từ ngày 19-7 đến 26-7.
Nếu thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu ĐKXT thì thời hạn được kéo dài hơn, từ ngày 19-7 đến 28-7.
4. Công bố kết quả xét tuyển đợt 1: Hạn cuối ngày 16-8
Trước 17h ngày 16-8, các trường ĐH, CĐSP, TCSP phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Cũng với thời hạn này, các trường còn phải cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
5. Ưu tiên khu vực: tối đa 0,75 điểm
Điểm ưu tiên đối tượng được giữ nguyên với mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm. Riêng với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp thì giảm từ 0,5 điểm theo quy chế các năm trước xuống chỉ còn mức 0,25 điểm.
Như vậy, với thí sinh khu vực 1 vốn được cộng điểm ưu tiên khu vực cao nhất cũng chỉ được hưởng tối đa điểm ưu tiên khu vực là 0,75 điểm.
6. Thay đổi ưu tiên địa phương
Bộ GD-ĐT cũng quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
7. Bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Năm 2018, bộ cũng bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành không đào tạo giáo viên. Riêng đối với các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ được quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng.
8. Thêm đối tượng được tuyển thẳng
Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng được giải thưởng trong các cuộc thi về mỹ thuật do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch tổ chức được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp các ngành đào tạo tương ứng.
Bổ sung đối tượng người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp…
9. 14,99 điểm không được làm tròn thành 15 điểm
Quy chế tuyển sinh sửa đổi quy định việc làm tròn đến hai chữ số thập phân với tổng điểm xét tuyển vào các ngành. Cụ thể, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Trước đây, điểm xét tuyển được làm tròn 0,25. Ví dụ: thí sinh đạt từ mức điểm 14,88 đến 15,12 đều được làm tròn thành 15 điểm.
Việc xét tuyển các đợt bổ sung sẽ được thực hiện từ ngày 22-8. Sau đó, trước ngày 31-12-2018, các trường báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2018 về Vụ Giáo dục đại học.